Không nhận diện được thuê bao. Thử lại hoặc Đăng nhập ngay.

Thực phẩm lành mạnh giúp kiểm soát cân nặng cho người mắc bệnh tuyến giáp

Ngày đăng: 16-08-2024 - Lượt xem: 1386

SKĐS - Tuyến giáp hoạt động kém sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến người bệnh dễ tăng cân hơn. Nó cũng có thể gây suy nhược, mệt mỏi, trầm cảm và đau khớp… Vì vậy người mắc bệnh tuyến giáp nên chú ý chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe và kiể

1. Nguyên nhân khiến người mắc bệnh tuyến giáp dễ tăng cân

Khi tuyến giáp bị suy yếu, quá trình trao đổi chất có thể chậm lại đáng kể, khiến bạn đốt cháy ít calo hơn mỗi ngày. Suy giáp cũng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức và ít tập thể dục hơn, khiến việc kiểm soát cân nặng càng trở nên khó khăn hơn.

Hơn nữa, khi mệt mỏi, nhiều người có xu hướng thèm ăn thực phẩm chứa đường để lấy năng lượng dẫn đến nguy cơ tăng cân nhiều hơn. Lượng đường trong máu cao liên tục cũng có thể gây viêm và tăng căng thẳng lên các hormone, bao gồm cả hormone tuyến giáp.

Một số người bị bệnh tuyến giáp có sự mất cân bằng nội tiết tố khác có thể cản trở việc giảm cân thành công như: mức độ thấp của leptin và ghrelin là những hormone điều chỉnh cân nặng và sự thèm ăn góp phần gây béo phì và không thể giảm cân.

Tăng cân cũng là vấn đề dễ gặp nhất đối với người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp. So với những người cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp thì sự tăng cân ở những người cắt bỏ một phần tuyến giáp xảy ra ít hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia thì sự tăng cân không chủ ý này có liên quan đến hormon tuyến giáp. Vì hormon tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong cân bằng trao đổi chất của cơ thể.

 

 

Thực phẩm lành mạnh giúp kiểm soát cân nặng cho người mắc bệnh tuyến giáp - Ảnh 2.

Tuyến giáp hoạt động kém gây mệt mỏi và tăng cân.

 

 

2. Cách giảm cân an toàn cho người sau phẫu thuật tuyến giáp

Việc điều trị các bệnh tuyến giáp rất khó khăn, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, người bệnh sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp nên áp dụng một số cách giảm cân an toàn được khoa học chứng minh như: Dùng hormone tuyến giáp thường xuyên, tập thể dục đều đặn, cần theo dõi lượng calo hàng ngày, bổ sung đủ chất đạm (protein)…

Người bệnh cần tham khảo tư vấn của bác sĩ về lượng calo cần thiết. Cố gắng loại bỏ khỏi thực đơn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp. Việc bổ sung protein giúp hạn chế cảm giác đói, hỗ trợ sự phát triển của cơ bắp, kết hợp với việc tập thể dục sẽ giúp cho quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả hơn. Người bệnh nên chọn ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng, thịt gà, đậu phụ, cá, trứng...

3. Người bệnh tuyến giáp tham khảo những thực phẩm giúp kiểm soát cân nặng

Thực phẩm lành mạnh như protein nạc, rau và trái cây có thể hỗ trợ chức năng tuyến giáp, giúp kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân, giảm một số triệu chứng như mệt mỏi, táo bón. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng giúp quá trình giảm cân hiệu quả hơn. Người bệnh nên:

Ăn nhiều trái cây và rau quả: Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe, đồng thời rất ít calo.

Tăng lượng chất xơ: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng… có thể giúp người bệnh no lâu và giảm táo bón.

 

 

Thực phẩm lành mạnh giúp kiểm soát cân nặng cho người mắc bệnh tuyến giáp - Ảnh 4.

Người mắc bệnh tuyến giáp nên ăn nhiều trái cây và rau.

 

 

Chọn protein nạc: Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu protein có thể giúp tăng cường trao đổi chất và khiến bạn cảm thấy no. Người bệnh nên chọn protein nạc như: thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá…

Ăn chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh có trong cá béo và các loại hạt. Quả hạch, hạt hướng dương… cũng có hàm lượng selen cao, rất cần thiết cho chức năng tuyến giáp khỏe mạnh.

Uống đủ nước: Mất nước có thể khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và đau nhức. Uống đủ nước sẽ giúp quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả hơn và nó cũng có thể làm giảm sự thèm ăn, loại bỏ tình trạng giữ nước và đầy hơi, chống táo bón và mệt mỏi, đồng thời cải thiện quá trình bài tiết và tiêu hóa.

 

Back To Top