1. Lợi ích của thực phẩm lên men với sức khỏe
Thực phẩm lên men đã trải qua quá trình tự nhiên được lên men bởi vi khuẩn có lợi, nấm hoặc men. Lên men là một quá trình hóa học trong đó các vi sinh vật như vi khuẩn và nấm men, và các enzym của chúng phân hủy tinh bột và đường trong thực phẩm, có thể làm cho chúng dễ tiêu hóa hơn.
Kết quả cuối cùng cho ra một sản phẩm có chứa nhiều các sinh vật và enzym hữu ích. Quá trình lên men cũng là một biện pháp bảo quản tự nhiên, có nghĩa là thực phẩm lên men có thể tồn tại trong một thời gian dài.
Thực phẩm lên men là một nguồn bổ dưỡng và giàu probiotics, là vi khuẩn tốt cho đường ruột và hệ miễn dịch con người. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ vi sinh đường ruột là cộng đồng các vi khuẩn sống trong đường ruột của con người.
Có 2 loại là hệ vi sinh có lợi và hệ vi sinh có hại. Vi khuẩn có lợi là các vi khuẩn có ích cho việc tiêu hóa thức ăn. Vi khuẩn có hại là những vi khuẩn gây bệnh hoặc sẽ gây bệnh khi có cơ hội.
Hệ vi sinh đường ruột là hàng rào bảo vệ sức khỏe của con người, tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại bệnh tật. Nếu hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, vi khuẩn có hại gia tăng sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu, suy giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh.
Thực phẩm lên men rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe đường ruột vì chúng chứa nhiều men vi sinh và enzyme lành mạnh giúp: Tăng cường tiêu hóa, cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giúp chống lại các vi sinh vật gây bệnh, tăng cường hệ miễn dịch…
Các loại thực phẩm lên men phổ biến nhất bao gồm: kim chi, dưa cải bắp, miso, tempeh, bánh mì chua, sữa chua nuôi cấy, Kombucha và Kefir…
2. Kefir có tác dụng gì?
Kefir là một thức uống sữa lên men có vẻ ngoài trông giống như sữa chua loãng. Kefir và sữa chua rất giống nhau. Mặc dù sữa chua thường đặc hơn, nhưng cả hai đều có vị chua và có nhiều hương vị khác nhau.
Kefir được đặt tên theo từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: " keyif" có nghĩa là "cảm giác dễ chịu" hoặc cảm giác sảng khoái mà bạn có được sau khi uống.
Theo truyền thống, nó được làm bằng sữa bò hoặc không sữa, men và vi khuẩn lành mạnh. Mặc dù cần nghiên cứu cụ thể hơn về lợi ích sức khỏe của Kefir, nhưng có bằng chứng cho thấy nó có thể giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tim mạch, kháng khuẩn, đồng thời hỗ trợ xương khỏe mạnh và điều hòa lượng đường trong máu.
Các chế phẩm sinh học trong Kefir nuôi sống các vi khuẩn tốt trong hệ vi sinh vật đường ruột của con người. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng Kefir có thể giúp cơ thể bạn phản ứng với các bệnh do nhiễm virus vì nó có liên quan đến phản ứng miễn dịch. Nó cũng có khả năng ức chế một số chủng vi khuẩn và nấm.
Kefir cũng là một nguồn dinh dưỡng phong phú hỗ trợ sức khỏe của xương như canxi. Nó cũng chứa vitamin K2, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa canxi và giúp bảo vệ chống nguy cơ gãy xương.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về Kefir và lượng đường trong máu, nhưng một số nghiên cứu đã quan sát thấy khả năng ảnh hưởng đến các dấu hiệu liên quan đến bệnh đái tháo đường như nó có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói.
3. Cách làm sữa chua Kefir
Không có định lượng cụ thể về lượng sữa và men Kefir. Nếu lượng sữa quá nhiều, men ít thì quá trình lên men sẽ diễn ra lâu hơn. Thông thường, với khoảng 15g men Kefir, bạn cần khoảng 400ml sữa tươi.
Bạn cần chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ sau:
- 15g men Kefir
- 400ml sữa tươi (nên sử dụng sữa tươi thanh trùng không đường)
- Bình thủy tinh miệng rộng
- Vải mùng mỏng
- Muỗng
- Rây nhỏ bằng nhựa
Cách làm:
- Rửa sạch và tráng nước sôi các dụng cụ làm Kefir
- Dùng muỗng múc men Kefir cho vào lọ thủy tinh
- Cho sữa tươi vào lọ để nuôi Kefir
- Dùng vải mùng bọc miệng lọ và để nơi thoáng mát
Kefir lên men nhanh hay chậm tùy vào thời tiết và nhiệt độ, sẽ lên men chậm khi gặp phải thời tiết lạnh. Bạn nên kiểm tra sữa, nếu ngửi có mùi thơm, sữa đặc lại là đạt yêu cầu. Bảo quản sữa chua Kefir thành phẩm trong tủ lạnh và dùng dần.