Không nhận diện được thuê bao. Thử lại hoặc Đăng nhập ngay.

Làm gì để khắc phục chứng ăn uống quá mức?

Lượt xem: 1024

SKĐS - Ăn uống quá mức có nghĩa là ăn một lượng lớn thức ăn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Bạn có thể cảm thấy không thể kiểm soát được mình ăn gì và ăn bao nhiêu. Nếu thường xuyên ăn uống quá mức, bạn sẽ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro về sức khỏ

1. Dấu hiệu của chứng ăn uống quá mức

Ăn quá mức liên quan đến việc ăn một lượng lớn thức ăn bất thường trong một khoảng thời gian ngắn. Một số dấu hiệu của việc ăn quá mức bao gồm: Ăn khi bạn không đói; Vẫn tiếp tục ăn sau khi đã no; Ăn một mình; Ăn rất nhanh; Che giấu thói quen ăn uống của mình…

Nếu thường xuyên ăn uống quá mức có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống. Nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc chứng cuồng ăn cũng mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn tâm trạng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa căng thẳng và ăn uống quá mức. Trong thời gian cực kỳ căng thẳng, mọi người có thể có nhiều khả năng tìm đến những món ăn quen thuộc và ăn vào ban đêm. Một số trường hợp khác có thể ăn uống quá mức sau khi trải qua một đợt ăn kiêng, sau đó ăn lại quá nhiều.

Làm gì để khắc phục chứng ăn uống quá mức? - Ảnh 2.

Thường xuyên ăn uống quá mức có thể gây nhiều rủi ro cho sức khỏe.

2. Ăn uống quá mức gây hậu quả gì?

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, chứng rối loạn ăn uống có liên quan đến một số biến chứng sức khỏe tiềm ẩn, một phần là do nhiều người ăn uống quá mức dẫn đến bị béo phì. Mọi người cũng có xu hướng ăn thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều calo và nhiều chất béo trong khi ăn uống quá mức.

Nếu không được can thiệp điều trị chứng rối loạn ăn uống quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp, cholesterol cao, mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt, đau khớp, ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các vấn đề về răng, tổn thương thực quản, cổ họng, táo bón, trĩ…

Can thiệp điều trị chứng rối loạn ăn uống quá mức thường bao gồm liệu pháp tâm lý, tư vấn dinh dưỡng và dùng thuốc.

Đối với những trường hợp có dấu hiệu ăn uống quá nhiều do di truyền, căng thẳng quá mức hay trầm cảm… cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.

Nếu nguyên nhân do lối sống, chế độ ăn uống không khoa học, thường xuyên uống nhiều rượu bia… bạn cần học cách ăn uống lành mạnh, đủ chất, ăn đúng giờ, không bỏ bữa, lựa chọn thực phẩm lành mạnh.

Việc thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng không cần thiết… cũng góp phần giảm nguy cơ ăn uống quá mức.

3. Một số biện pháp thay đổi lối sống khắc phục chứng ăn uống quá nhiều

3.1. Không bỏ bữa

Có vẻ mâu thuẫn khi cho rằng ăn uống đều đặn là một khuyến nghị để ngừng ăn uống vô độ nhưng bỏ bữa có thể khiến cơ thể bạn thiếu dinh dưỡng và tăng khả năng ăn quá nhiều.

Đặc biệt, bữa sáng rất quan trọng vì nó khởi động quá trình trao đổi chất và cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết để hoạt động bình thường. Bạn nên lựa chọn một bữa ăn giàu protein vào buổi sáng bao gồm các thực phẩm như: trứng, ức gà, yến mạch, các loại hạt, sữa chua Hy Lạp…

3.2. Chia nhỏ bữa ăn

Bạn nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, mỗi lần ăn một ít với các bữa ăn nhẹ lành mạnh để duy trì năng lượng và giảm cảm giác đói. Không nên để cơ thể bị quá đói. Mức năng lượng sụt giảm là tác nhân chính khiến bạn thèm ăn và ăn uống quá mức.

Tránh ăn các bữa ăn lớn như tiệc liên hoan, buffet, uống nhiều rượu bia… Vì bạn khó có thể kiềm chế cơn thèm ăn trước một bữa ăn có lượng đồ ăn phong phú, đa dạng.

Làm gì để khắc phục chứng ăn uống quá mức? - Ảnh 4.

Nên tránh các bữa tiệc buffet để hạn chế ăn quá nhiều.

3.3. Tránh ăn kiêng quá mức

Nhiều chế độ ăn kiêng hứa hẹn giảm cân nhanh chóng nhưng bạn phải thực hiện bằng cách thay đổi triệt để thói quen ăn uống của mình như: cắt bỏ toàn bộ thực phẩm hay nhóm thực phẩm như carbohydrate, hoặc chỉ ăn thịt hay rau, hoặc chỉ uống nước trái cây…

Nhưng biện pháp ăn uống này thực sự không khoa học và lành mạnh, có thể dẫn đến cơ thể bạn thiếu chất nghiêm trọng mà còn tăng cảm giác thèm ăn và nguy cơ ăn uống quá mức.

3.4. Uống đủ nước

Uống đủ nước có nhiều lợi ích cho sức khỏe và cũng có thể giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn. Nó cũng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và có thể góp phần giảm cân.

3.5. Tăng thực phẩm giàu chất xơ

Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và thực phẩm chưa qua chế biến có thể giúp bạn cảm thấy no hơn so với ăn ngũ cốc tinh chế, đường và thực phẩm chế biến sẵn.

Nhóm thực phẩm thứ hai này thường cung cấp mức năng lượng rất cao và nhanh chóng, sau đó là "sự cố" có thể dẫn đến cảm giác thèm ăn và có thể thúc đẩy việc ăn uống quá mức.

 

Back To Top