1. Ăn rất ít cơm hoặc bỏ luôn cơm
Cô giáo Nguyễn T.C ( An Hải, Hải Phòng) được chẩn đoán mắc đái tháo đường (ĐTĐ) mấy năm nay, cô kiêng khem rất kỹ, đặc biệt bỏ hoàn toàn tinh bột, chủ yếu ăn nhiều rau củ. Lâu lâu không gặp cô, nhiều người khi gặp đều sửng sốt vì thấy cô rất gầy yếu, kém đi vẻ nhanh nhẹn, linh hoạt trước kia.
Những người kiên quyết loại bỏ tinh bột khỏi thực đơn như cô giáo C không phải là ít, mặc dù khi đi khám bệnh đã được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp nhưng vì quá lo sợ ăn tinh bột ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nên không dám ăn cơm, lâu dần thành quen.
Ngược lại, anh Phạm Văn T (Lương Sơn, Hòa Bình) lại tặc lưỡi, ăn ít cơm rất mau đói nên mỗi bữa anh cứ ăn đủ 3 lưng, nếu đường huyết cao thì tăng liều insulin cho… hạ xuống.
Theo Cử nhân Đỗ Át K (Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng BV Bạch Mai), đó là những cách hiểu sai lầm và rất nguy hiểm cho người bệnh nếu duy trì chế độ ăn sai cách trong thời gian dài. Cử nhân Át K cho biết, đối với người bệnh ĐTĐ thì việc biết được nhu cầu của mình ăn được bao nhiêu bát cơm/ bữa hoặc không ăn cơm thì thay bằng thực phẩm gì với lượng bao nhiêu là cực kỳ cần thiết. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể giúp người bệnh ĐTĐ và người chăm sóc cách tính được nhu cầu tinh bột trong ngày.
2. Các bước để tính lượng tinh bột hằng ngày cho người đái tháo đường
2.1 Tính cân nặng lý tưởng:
Cần lưu ý phải tính theo cân nặng lý tưởng vì có thể bạn đang thừa cân hoặc thiếu cân, do đó cần thiết phải đưa về cân nặng lý tưởng để tính nhu cầu cho phù hợp, cụ thể:
Cân nặng lý tưởng đối với nam giới là : Chiều cao x chiều cao x 22
Cân nặng lý tưởng đối với nữ giới là : Chiều cao x chiều cao x 21
(lưu ý chiều cao được tính bằng mét)
Ví dụ: một người nữ, cao 1.6m, thì cân nặng lý tưởng = 1.6 x 1.6 x 21 = 53.76 kg
2.2 Tính năng lượng trong một ngày
Với người lao động nhẹ như nội trợ, hành chính… thì năng lượng cần thiết trong một ngày được tính như sau:
Năng lượng = cân nặng lý tưởng x 30 kcal
Năng lượng cho người lao động trung bình như học sinh, sinh viên:
Năng lượng = cân nặng lý tưởng x 35 kcal; Ví dụ năng lượng cho một người lao động trung bình = 56 x 35 = 1960 kcal/ngày.
Với người lao động nặng như thợ rèn, vận động viên, nông dân trong ngày mùa:
Năng lượng = cân nặng lý tưởng x 40 kcal / ngày
2.3 Cách tính lượng tinh bột
Với người bệnh đái tháo đường, năng lượng do tinh bột cung cấp chiếm 50 – 60% tổng năng lượng.
Số gam tinh bột = số kcal do tinh bột cung cấp/ 4
Ví dụ người bệnh là một người lao động trung bình:
Năng lượng do tinh bột cung cấp = 55 x 1960/100 = 1078 kcal
Vậy, số gam tinh bột = 1078/4 = 270g/ ngày.
3. Phân chia lượng tinh bột vào các bữa ăn
Người bệnh ĐTĐ có thể không ăn hoặc ăn 1 hoặc 2 hoặc 3 bữa phụ trong ngày tùy theo tình trạng đường máu, tính chất công việc… Tuy nhiên, cần chú ý mỗi bữa phụ người bệnh ĐTĐ chỉ nên ăn khoảng 15g tinh bột, tương đương:
= 2.0 lạng quả bưởi hoặc một trong số các loại trái cây như thanh long, ổi, bưởi, đu đủ…
= 300 ml sữa không đường = 200ml sữa ít đường = 150ml sữa có đường
= 1 chiếc bánh cho người đái tháo đường
= 1 gói bột ngũ cốc cho người đái tháo đường
Lượng tinh bột các bữa ăn được tính bằng tổng số tinh bột tính ra theo nhu cầu trong ngày trừ đi phần tinh bột ăn trong bữa phụ rồi chia trung bình cho 3 bữa.
Ví dụ tiếp người bệnh là người lao động trung bình nói trên, giả sử ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ trong ngày thì:
Lượng tinh bột trong 3 bữa phụ = 3x15 = 45; Lượng tinh bột trong 3 bữa chính = 270 – 45 = 225g, như vậy lượng tinh bột trong 1 bữa chính = 225/3= 75g tinh bột/ bữa = khoảng 2 lưng bát con cơm.
Lượng tinh bột ứng với số cơm:
40g tinh bột = ½ bát con cơm = 1,2 lạng bánh phở = 1,6 lạng bún = 1,6 lạng khoai
50g tinh bột = 1 sét bát con cơm (khoảng giữa lưng và miệng bát) = 1,5 lạng phở = 2,0 lạng bún hoặc khoai
60g tinh bột = 1 miệng bát con cơm = 1,8 lạng phở = 2,4 lạng bún hoặc khoai
80g tinh bột = 2 lưng bát con cơm = 2,4 lạng phở = 3,2 lạng bún hoặc khoai
100g tinh bột = 2 sét bát con cơm = 3,0 lạng phở = 4,0 lạng bún hoặc khoai
4. Cách ăn đúng
- Trước khi ăn thực phẩm nhóm tinh bột cần ăn thực phẩm nhóm chất xơ (rau củ). Kể cả nếu bữa sáng có ăn bún hoặc phở thì vẫn phải có nhiều rau ăn trước.
- Trái cây không nên ép nước mà nên để cả cùi, cả múi để tận dụng được nguồn chất xơ.
- Khi ăn thực phẩm nhóm tinh bột hấp thu đường nhanh như bánh mỳ, khoai nướng… cần ăn phối hợp nhiều rau hơn các thực phẩm cùng nhóm chế biến dạng luộc.
Theo Sức khỏe và Đời sống