Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi
Chế độ ăn nhiều chất béo
Với những người cao tuổi thường xuyên ăn các chất dầu mỡ, chứa các chất béo bão hòa như bơ, sữa, mỡ động vật, nội tạng… sẽ khiến nồng độ cholesterol tăng cao. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhiều tinh bột cũng có thể chuyển hóa thành năng lượng dư thừa làm tăng triglycerid.
Ít vận động
Người cao tuổi cũng hay gặp phải các vấn đề như đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp… ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Việc vận động vì thế mà cũng ảnh hưởng theo. Điều này ảnh hưởng tới quá trình tiêu hao năng lượng. Từ đó, tăng nguy cơ tích tụ mỡ tại thành mạch.
Suy giảm chức năng gan, mật
Ngoài những nguyên nhân như thói quen ăn uống, sinh hoạt… người cao tuổi còn bị mỡ máu tăng do quá trình suy giảm chức năng của cơ thể. Đặc biệt là các cơ quan có vai trò điều tiết mỡ máu trong gan, mật. Điều này làm cản trở quá trình vận chuyển mỡ thừa về gan để đào thải ra ngoài. Từ đó, làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ trong lòng mạch dẫn đến mỡ máu cao.
Ngoài ra, những người cao tuổi mắc phải các bệnh lý nền về đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh gan… cũng có nguy cơ cao bị rối loạn mỡ máu.
Người cao tuổi bị rối loạn mỡ máu nên ăn gì?
Các thực phẩm chứa ít cholesterol
Rối loạn mỡ máu có nguyên nhân chủ yếu từ hàm lượng cholesterol trong máu. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong chế độ ăn là phải giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu cholesterol. Giảm lượng cholesterol chính là làm giảm lượng mỡ trong máu. Đặc biệt không nên ăn quá 2 quả trứng mỗi tuần vì lòng đỏ trứng là thực phẩm rất giàu cholesterol.
Ngũ cốc
Phần lớn những người bị rối loạn mỡ máu thường ở mức vượt ngưỡng cân nặng. Ngũ cốc là sự lựa chọn tuyệt vời cho người rối loạn mỡ máu. Đặc biệt ở những người mỡ máu cao, ngũ cốc giúp người bệnh có cảm giác no lâu, làm giảm hàm lượng thức ăn dung nạp. Bên cạnh đó, chất xơ trong ngũ cốc có tác dụng đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể, loại bỏ tối ưu chất béo tồn đọng ở thành mạch.
Đậu nành
Người bệnh nên sử dụng các món ăn được chế biến từ đậu nành (sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương…) vì đây là thực phẩm đặc biệt tốt cho tim mạch. Đậu nành có chất lượng đạm tương đương đạm động vật, chứa nhiều vitamin và khoáng chất (omega-3, vitamin E, magiê, phốt pho, kali, kẽm…) đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể. Người mắc bệnh rối loạn mỡ máu có thể sử dụng thường xuyên đạm đậu nành để thay thế đạm động vật hàng ngày nếu muốn.
Rau xanh
Người bệnh rối loạn mỡ máu nên thường xuyên ăn rau xanh (khoảng 500g/ngày) để cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng và chất xơ. Một số loại rau củ quả được khuyên dùng như: Rau ngót, rau muống, rau cải bắp, rau dền, mồng tơi, cà rốt, bí đỏ, giá đỗ… Các loại trái cây ít ngọt và giàu vitamin như gấc, đu đủ chín, xoài… cũng được khuyến cáo nên có trong khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh.
Hạn chế ăn thịt đỏ
Thịt đỏ chứa hàm lượng cholesterol cao. Ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ làm cho bệnh tiến triển xấu hơn. Thịt mỡ, thịt có gân, có da cũng nên tránh. Nên thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như cá, gà… Cá và dầu cá chứa hàm lượng omega 3, rất tốt cho người bệnh mỡ máu. Nên ăn cá từ 2-3 lần mỗi tuần để làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Không ăn tối muộn
Buổi tối là thời điểm tiêu hao năng lượng ít nhất trong ngày, chính vì vậy không nên ăn tối quá muộn. Ăn tối quá muộn sẽ khiến cho cholesterol đọng lại trên thành động mạch, gây xơ vữa động mạnh. Nên ăn tối sớm kết hợp với chế độ luyện tập thể dục để năng lượng chất béo được tiêu hao.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ, với người trên 20 tuổi thực hiện kiểm tra mỡ máu từ 3-5 năm/lần, người trên 50 tuổi kiểm tra 6 tháng/lần. Đặc biệt, những người có thể trạng béo, những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành cần kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, hiệu quả chữa trị cao, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, người bệnh nên phối hợp với tập luyện thể dục. Mỗi ngày nên tập ít nhất 30 phút để tăng cường quá trình đốt cháy mỡ thừa.
BS. Ngọc Đan - Theo Sức khỏe và Đời sống