1. Lợi ích sức khỏe của quả hồng
Quả hồng chứa 12 - 16% đường, chủ yếu là đường glucose và fructoze, lượng acid thấp 0,1%. Trong 100g thịt quả có chứa 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin PP, B1, B2, 2,5g chất xơ và các hợp chất hữu cơ khác...
Với những thành phần dinh dưỡng của quả hồng, việc thường xuyên bổ sung quả hồng vào chế độ ăn uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Chất xơ trong quả hồng giúp nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón.
- Cải thiện thị lực: Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Kali giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Chống lão hóa: Các chất chống oxy hóa trong quả hồng giúp bảo vệ da, ngăn ngừa lão hóa sớm.
2. Một số thực phẩm không nên ăn cùng quả hồng
Khi ăn hồng xanh hoặc độ chín chưa tới, người ăn thường thấy có vị chát, đó là do quả hồng có chứa chất tannin - chất chát và chất pectin. Quả hồng chứa hàm lượng tannin khá cao. Tannin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Những chất này có thể kết hợp với protein trong một số loại thực phẩm khác tạo thành các hợp chất không tan, gây khó tiêu, đầy bụng, thậm chí là táo bón.
Khi ăn quả hồng, đặc biệt là khi bụng đói, acid dạ dày sẽ tăng lên, kết hợp với tannin tạo thành các cục đông trong dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non, sẽ lưu lại trong dạ dày và hình thành sỏi, dẫn đến tắc nghẽn đường tiêu hóa, xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng trên, nôn mửa, thậm chí nôn ra máu...
Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, nếu không cẩn thận thì những chất có trong quả hồng lại biến thành chất hại cơ thể. Tốt nhất khi ăn quả hồng nên tránh ăn cùng với một số loại thực phẩm dưới đây:
2.1. Hải sản (tôm, cua)
Mặc dù hồng là một món ăn ngon nhưng tốt nhất là nên ăn ở mức độ vừa phải. Hàm lượng tannin cao trong hồng có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Những vấn đề này bao gồm chảy máu dạ dày, táo bón và tiêu chảy. Chất tannin và pectin trong hồng cũng có thể tích tụ thành sỏi gọi là bezoar trong cơ thể, có thể gây tắc nghẽn khó chịu ở dạ dày và ruột.
Nếu ăn nhiều quả hồng nên tránh ăn cùng với cua, cá, tôm giàu protein vì tannin có trong hồng rất dễ dẫn đến khó tiêu, tắc ruột,...
2.2. Thịt ngỗng
Thịt ngỗng giàu protein, tương tự như hải sản, khi kết hợp với quả hồng sẽ gây ra tình trạng tương tự.
Theo ThS.BS. Phạm Đức Thắng, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, không dùng chung quả hồng với những món ăn như tôm, cua, thịt ngỗng... vì tannin trong quả hồng có thể làm cho các thực phẩm giàu đạm vón cục trong ruột gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài.
2.3. Không nên ăn hồng cùng trứng
Nếu ăn hồng cùng với trứng, acid tannic sẽ kết hợp với protein tạo thành chất khó tiêu, có thể gây tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khó chịu khác. ThS.BS. Phạm Đức Thắng cho biết, nếu ăn trứng, tốt nhất nên đợi một lúc, ít nhất là 30 phút rồi mới ăn quả hồng để tránh gây khó chịu cho cơ thể.
2.4. Khoai lang
Khoai lang chứa nhiều tinh bột, khi kết hợp với quả hồng sẽ tăng cường quá trình lên men trong dạ dày, gây đầy hơi, khó tiêu.
2.5. Rượu
Rượu làm tăng tiết acid dạ dày, kết hợp với tannin trong quả hồng sẽ làm tăng nguy cơ khó tiêu. Các loại rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết đường ruột, tannin trong quả hồng đi vào dạ dày sẽ tạo thành một chất sền sệt, dính nhầy, dễ kết hợp với chất xơ gây khó tiêu hóa, thậm chí không thải ra ngoài, lâu dần sẽ gây tắc ruột.
3. Những lưu ý khi ăn quả hồng để đảm bảo sức khỏe
- Không ăn quả hồng khi đói: Khi ăn nhiều quả hồng, nhất là lúc đói, các chất tannin và pectin cùng với chất xơ trong quả hồng sẽ kết tụ dưới tác dụng của acid dạ dày gây đầy bụng, khó tiêu.
- Không ăn vỏ quả hồng: Vỏ quả hồng chứa nhiều tannin hơn phần thịt quả.
- Người có bệnh lý về dạ dày, đường ruột nên hạn chế ăn quả hồng.
- Chọn quả chín đều: Quả chín đều sẽ có vị ngọt thanh và ít gây ra tình trạng táo bón.
- Kết hợp quả hồng với các loại thực phẩm khác: Có thể kết hợp quả hồng với sữa chua, ngũ cốc để tăng cường dinh dưỡng và giảm bớt tác dụng phụ.
- Không nên ăn quá nhiều quả hồng một lúc. Mỗi ngày chỉ nên 1-2 quả và nên chọn hồng đã chín mềm.
BS. Phạm Đức Thắng lưu ý, quả hồng chứa 10,8% carbohydrate, hầu hết là monosacaride và disaccharide sau khi ăn rất dễ bị hấp thụ khiến đường huyết tăng lên, không tốt cho người bệnh đái tháo đường, nhất là những người kém kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, người hay bị táo bón, khó tiêu, viêm dạ dày mạn tính, cắt dạ dày hoặc có chức năng dạ dày kém cũng không nên dùng loại quả này.