Khoai môn có nhiều lợi ích cho sức khỏe
Khoai môn rất giàu chất dinh dưỡng có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Một khẩu phần một cốc khoai môn có một phần ba lượng mangan được khuyến nghị hàng ngày, góp phần vào quá trình trao đổi chất tốt, tăng cường sức khỏe xương và cải thiện quá trình đông máu.
Hàm lượng vitamin cao trong khoai môn cũng có thể làm sáng mắt, tăng cường vẻ đẹp của làn da, tăng cường tuần hoàn và chức năng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Ngoài ra, khoai môn còn mang lại những lợi ích sức khỏe khác như:
Cải thiện tiêu hóa
Khoai môn có lượng chất xơ cao gấp đôi khoai tây. Chất xơ trong chế độ ăn uống giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và có thể làm giảm các vấn đề như táo bón, tiêu chảy, loét dạ dày và trào ngược axit.
Vì chất xơ di chuyển chậm qua hệ tiêu hóa nên các nghiên cứu cho thấy chất xơ cũng giúp bạn cảm thấy no hơn giữa các bữa ăn, hỗ trợ kiểm soát cân nặng lành mạnh.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Hàm lượng carbohydrate trong khoai môn được gọi là tinh bột kháng. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng những loại carbohydrate tốt này có tác dụng ổn định lượng đường trong máu, giúp kiểm soát cân nặng và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Những loại tinh bột này cũng phù hợp với chế độ ăn ít carbohydrate và chế độ ăn keto.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Khoai môn có hàm lượng kali cao giúp kiểm soát tăng huyết áp bằng cách phân hủy lượng muối dư thừa. Điều này làm giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch, giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vấn đề về tim mạn tính.
Giảm nguy cơ liên quan đến ung thư
Khoai môn chứa nhiều chất chống oxy hóa. Trong đó, quercetin, có nguồn gốc từ sắc tố tím của khoai môn là một chất chống oxy hóa mạnh, có đặc tính chống viêm, kháng virus, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.
Các gốc tự do là các phân tử tích tụ trong cơ thể từ quá trình lão hóa và lối sống, gây tổn thương tế bào có thể dẫn đến ung thư.
Rủi ro và tác dụng phụ
Mặc dù khoai môn có nhiều lợi ích tiềm tàng nhưng cũng có một số tác dụng phụ mà bạn cần cân nhắc.
Dị ứng: Mặc dù không phổ biến, nhưng đã có một số trường hợp được báo cáo về phản ứng dị ứng do loại củ này gây ra.
Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào như phát ban, nổi mề đay hoặc ngứa sau khi ăn, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguy cơ sỏi thận: Một trong những nhược điểm hàng đầu khác của khoai môn là hàm lượng canxi oxalat, một hợp chất tự nhiên có thể tích tụ trong cơ thể, gây ra bệnh gút và góp phần hình thành sỏi thận. Do hàm lượng oxalat, ăn khoai môn sống cũng có thể gây kích ứng cổ họng và khiến miệng tê liệt.
Có thể gây ngộ độc: Cũng giống như khoai sọ, khoai tây, khoai môn khi mọc mầm chứa một lượng độc tố nhất định ở mầm và khu vực xung quanh mầm. Do đó, nếu tiêu thụ khoai môn đã mọc mầm có thể gây ngộ độc với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
Đầy hơi, khó tiêu: Khoai môn chứa một lượng chất xơ lớn nên nếu ăn nhiều khoai môn cùng một lúc sẽ gây tình trạng đầy hơi, bụng ậm ạch, khó tiêu.
Ngoài ra, khoai môn cũng có hàm lượng carbohydrate tương đối cao. Mặc dù khoai môn cũng giàu chất xơ có lợi và tinh bột kháng, nhưng những người ăn kiêng ít carb hoặc ketogenic nên hạn chế lượng tiêu thụ để tối đa hóa lợi ích tiềm năng của khoai môn.
Những người bị đái tháo đường cũng nên ăn ở mức độ vừa phải cùng với nhiều loại rau không chứa tinh bột khác để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.