Không nhận diện được thuê bao. Thử lại hoặc Đăng nhập ngay.

Uống nước ép trái cây sai cách có thể phản tác dụng với sức khỏe người bệnh đái tháo đường, vì sao?

Ngày đăng: 09-08-2024 - Lượt xem: 1399

SKĐS - Trái cây không chỉ là thực phẩm tự nhiên lành mạnh tốt cho sức khỏe mà còn giúp duy trì ổn định đường huyết. Tuy nhiên, nên ăn cả trái cây hay uống nước ép tốt hơn vẫn là câu hỏi mà nhiều người bệnh đái tháo đường còn băn khoăn.

1. Lý do người bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây

Trái cây là một trong những nhóm thực phẩm rất cần thiết cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất cho hoạt động của cơ thể.

Trái cây cung cấp chất chống oxy hóa khiến quá trình oxy hóa diễn ra chậm hơn, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật.

Những lợi ích sức khỏe của trái cây một phần là do hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa cao, nhưng chất xơ cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Trái cây là một nguồn chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và giúp ổn định đường huyết.

Nghiên cho thấy, tiêu thụ nhiều chất xơ hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, béo phì và đái tháo đường loại 2. Việc tăng cường chất xơ hòa tan có thể cải thiện lượng đường trong máu và mức cholesterol.

Khi ăn chất xơ, cơ thể bạn mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này giúp bạn duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do đó chất xơ đặc biệt tốt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn cả trái cây hay uống nước ép? - Ảnh 2.

Trái cây là thực phẩm cần thiết cho người bệnh đái tháo đường.

2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn cả trái cây hay uống nước ép?

Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - đái tháo đường, trái cây là một nguồn chất xơ rất tốt cho cơ thể. Có hai loại chất xơ, chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gắn kết với các axit mật trong ruột làm giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (làm dễ tiêu), thẩm thấu, nối kết với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.

Chất xơ không hòa tan giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng. Nếu như chỉ uống nước ép trái cây nghĩa là đã loại bỏ đi phần chất xơ có tác dụng cản trở việc tăng đường đặc biệt quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường.Vì sao người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều chất xơ?

  •  

Quá trình ép trái cây thường loại bỏ hầu hết các chất rắn, bao gồm cả hạt và cùi khỏi toàn bộ trái cây. Chính quá trình đó đã làm biến mất chất xơ trong trái cây.

Khi bạn ép trái cây thường cần phải sử dụng lượng trái cây lớn hơn khiến nước ép chứa nhiều đường hơn trái cây toàn phần và không có chất xơ khiến bạn hấp thụ đường nhiều và nhanh hơn. Lượng đường trong máu cao gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng với người bệnh đái tháo đường.

Vì vậy, cách tốt nhất là người bệnh nên ăn nguyên trái cây. Ví dụ khi ăn cam nên ăn cả múi, ăn táo cả vỏ bởi chất xơ có nhiều trong vỏ, xác làm hấp thu đường chậm và có khả năng chống táo bón. Không nên ép thành nước để uống vì dễ tăng đường huyết cao sau ăn.

Do đó, uống nước ép trái cây sai cách có thể phản tác dụng với sức khỏe người bệnh đái tháo đường. Nếu người bệnh muốn uống nước ép trái cây thì chỉ nên giới hạn tối đa 150ml/ngày và chia làm nhiều lần.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn cả trái cây hay uống nước ép? - Ảnh 4.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây cả múi để tận dụng chất xơ.

3. Loại trái cây nào phù hợp với người bệnh đái tháo đường?

Chế độ ăn uống có tác động rất lớn đến lượng đường trong máu. Người bệnh đái tháo đường nên dùng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nhiều chất xơ. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và không làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh như thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, các loại trái cây phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là những loại chứa ít đường, nhiều chất xơ và vitamin.

Người bệnh nên ăn trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI bằng 55 hoặc ít hơn) giúp đường huyết tăng một cách chầm chậm như: ổi, bưởi, cam, táo, lê, thanh long, bơ, chuối… Đồng thời, nên hạn chế ăn trái cây có chỉ số đường huyết cao như: nhãn, vải, sầu riêng, mít…

 

Back To Top